Tại Việt Nam Tiết_độ_sứ

Thời Bắc thuộc

Năm 717, nhà Đường bổ nhiệm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, quản lý quân sự của 5 đô hộ phủ của Lĩnh Nam đạo bao gồm cả miền Bắc Việt Nam trong đó, thủ phủ đóng tại Quảng Châu.

Năm 866, theo thỉnh cầu của Cao Biền, Đường Ý Tông thăng An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân ("quân" là đơn vị hành chính nội thuộc được xem trọng hơn đô hộ phủ, có thể bổ nhiệm Tiết độ sứ, mỗi quân gồm vài châu cho đến hơn mười châu) và Cao Biền được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ đầu tiên.

Sử ghi lại tên các Tiết độ sứ người Trung Quốc tại Tĩnh Hải quân (chức danh đầy đủ là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ) như sau (danh sách không đầy đủ)[1]:

  1. Cao Biền (864 - 868), từ 866 là Tiết độ sứ.
  2. Cao Tầm (868 - 878), cháu Cao Biền.
  3. Tăng Cổn (878 - 880)
  4. Cao Mậu Khanh (882 - 883)
  5. Tạ Triệu (884-?)
  6. An Hữu Quyền (897-900)
  7. Chu Toàn Dục (900-905)
  8. Độc Cô Tổn (905)

Thời Tự chủ

Năm 905, họ Khúc dấy nghiệp, rồi đến Dương Đình Nghệ giành được chính quyền tiếp tục xưng là tiết độ sứ, với hàm ý đứng đầu 1 trấn của Trung Quốc trên danh nghĩa, dù trên thực tế Tĩnh Hải quân do người Việt tự cai quản.

Các Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân người Việt là:

  1. Khúc Thừa Dụ (905-907)
  2. Khúc Hạo (907-917)
  3. Khúc Thừa Mỹ (917-930)
  4. Dương Đình Nghệ (931-937)
  5. Kiều Công Tiễn (937-938)

Sau trận Bạch Đằng, 938, Ngô Quyền xưng vương. Từ đây, chức Tiết độ sứ là chỉ những viên quan có nhiệm vụ quản lý các lộ phủ vùng biên giới. Sử liệu về nhà Trần có kể Tuệ Trung Thượng Sĩ từng làm Tiết độ sứ phủ Thái Bình; Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết độ sứ sau kháng chiến chống Mông Cổ thắng lợi (1288). Thời Hồ, một trong các chức vụ của tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng là Vân Truân Trấn Kiêm Quy Hóa Trấn Gia Hưng đẳng Trấn Chư quân sự Tiết Độ đại sứ. Không còn thấy ghi nhận về chức vụ này từ thời trở đi.